Một số quy định về xử lý văn bản quy phạm pháp luật
Để kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra văn bản QPPL, vì đây là một bộ phận quan trọng, thiết yếu của công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản QPPL.
Một số nội dung quy định về xử lý văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP:
1. Văn bản được xử lý (khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và điểm b Khoản 17 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP)
- Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật; văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của Luật;”.
- Văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày;
- Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.
2. Nguyên tắc xử lý văn bản (Điều 105 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP)
- Bảo đảm tính toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, người ban hành văn bản; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
- Không được lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.
- Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra và quyết định xử lý văn bản.
3. Kiến nghị xử lý đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật (Điều 108 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP)
Căn cứ vào nội dung trái pháp luật của văn bản và mức độ thiệt hại trên thực tế do văn bản trái pháp luật gây ra, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản kiến nghị:
- Cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra;
- Cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức xử lý đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật.
4. Công bố kết quả xử lý văn bản (Điều 109 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP)
- Kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật phải được cơ quan, người đã ban hành văn bản đó đăng Công báo, đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản hoặc niêm yết tại các địa điểm theo quy định tại Điều 98 của Nghị định này.
- Kết quả xử lý các văn bản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 103 của Nghị định này phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước đó văn bản đã được gửi. Trường hợp văn bản đó đã được đăng Công báo, đăng trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành hoặc được niêm yết thì kết quả xử lý cũng phải được công bố trên các phương tiện thông tin đó.
5. Xử lý văn bản trái pháp luật (Điều 112 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP)
- Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, đơn vị thực hiện việc tự kiểm tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Nghị định này có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm tra văn bản và báo cáo ngay kết quả kiểm tra văn bản với cơ quan, người đã ban hành văn bản đó để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 130 của Nghị định này
- Báo cáo kết quả tự kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật gồm những nội dung sau:
+ Đánh giá nội dung có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản và đề xuất hướng xử lý, thời hạn xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có);
+ Xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và ban hành văn bản.
- Cơ quan, người ban hành có trách nhiệm xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật đã ban hành.
- Kết quả xử lý văn bản phải được công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Nghị định này.
6. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xử lý văn bản trái pháp luật (Điều 120 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP)
- Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
- Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, báo cáo Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ.
7. Thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật (Điều 125 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP)
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra về văn bản trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức xem xét, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.
- Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản không nhất trí với kết quả xử lý văn bản thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn xử lý, cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
- Việc xử lý nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.
8. Hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật (Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Khoản 29 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP)
- Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản trong trường hợp nội dung trái pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nếu không được bãi bỏ kịp thời.
- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trong các trường hợp sau:
+ Một phần hoặc toàn bộ văn bản được ban hành trái pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 103 của Nghị định này;
+ Văn bản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 103 của Nghị định này.
- Đính chính văn bản được thực hiện đối với văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày. Cơ quan, người ban hành văn bản đính chính văn bản bằng văn bản hành chính. Việc đính chính văn bản của Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện.
9. Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật (Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP)
- Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của cơ quan, người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó.
- Việc xem xét trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân được thực hiện như sau:
+ Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật;
+ Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
- Cơ quan, người ban hành văn bản khi nhận được kết luận kiểm tra, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản mà không thực hiện việc xem xét, xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không thực hiện thông báo kết quả xử lý theo quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức./.
Tin tức khác
- Đảng bộ xã Lê Lợi trao Huy hiệu Đảng đợt 07/11/2024
- Khẩn trương thay thế, bổ sung cây bóng mát, cây xanh cảnh quan, cây có hoa gắn với thực hiện đề án “Hạ long - thành phố của hoa”; Phát động phong trào thi đua cao điểm hoàn thành các công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 -2030.
- Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2024
- Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
- TP Hạ Long: Tạo cảnh quan xanh phát triển du lịch